LQT Talk #18 – Bí quyết kinh doanh đắt giá tuổi 50 của “ông trùm gia vị” DH Foods
Ngày 27/6, sinh viên chương trình Cử nhân Kinh doanh LQT đã có buổi giao lưu tại LQT Talk #18 cùng ông Nguyễn Trung Dũng, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc DH Foods, với chủ đề “Từ ý tưởng kinh doanh đến thành công”.
Bài học đắt giá từ lần khởi nghiệp đầu tiên của ông Nguyễn Trung Dũng
Ông Nguyễn Trung Dũng từng là học sinh giỏi toán miền Bắc và nhận học bổng du học ngành công nghệ thông tin tại Ba Lan. Tuy nhiên, kinh doanh mới chính là đam mê của ông, và đó cũng là con đường ông lựa chọn sau khi tốt nghiệp.
Năm 1990, ông cùng bốn người bạn thân lập một công ty nhỏ tại Ba Lan. Do chỉ một người trong nhóm có đầy đủ giấy tờ pháp lý nên người này đứng tên thành lập công ty, còn lại đều là cổ đông “thỏa thuận bằng miệng”, mỗi người giữ 20% cổ phần nhưng trên giấy tờ chỉ được ghi là nhân viên.
Thời điểm đó, thị trường Ba Lan khan hiếm hàng hóa sau thời kỳ chuyển đổi, trong khi nhu cầu mua sắm lại rất lớn, nên việc kinh doanh của nhóm diễn ra thuận lợi. Họ kinh doanh mọi mặt hàng có thể bán được, từ quần áo đến đồ thủ công mỹ nghệ nhập khẩu từ Việt Nam, nhờ đó doanh thu tăng nhanh và công ty phát triển mạnh.
Tuy nhiên, khi tiền bạc bắt đầu dồi dào, mâu thuẫn xuất hiện. Người đứng tên công ty cho rằng chỉ mình và ông Dũng là những người đóng góp chính, nên lần lượt tìm cách loại bỏ ba thành viên còn lại. Ông Dũng ban đầu không phản đối, nhưng sau đó cũng xảy ra tranh cãi và ông chủ động rời khỏi công ty.
Toàn bộ nhóm tan rã, bạn bè không còn, và số tiền bồi thường chia lại cho mỗi người thực chất không tương xứng với giá trị công ty lúc bấy giờ. Nhìn lại, ông Dũng cho rằng đó là lần khởi nghiệp đầu tiên nhưng cũng là thất bại lớn nhất. Ông không chỉ mất công sức và các mối quan hệ, mà còn để lại khoản nợ với đối tác trong nước.

Từ hồi sinh đến thử thách mới
Cuối năm 1992, sau thất bại từ lần khởi nghiệp đầu tiên, ông Nguyễn Trung Dũng trở lại thành phố với khoản nợ lớn và bắt đầu lại từ đầu. Lần này, ông chọn kinh doanh mì ăn liền Việt Nam tại Ba Lan. Tuy nhiên, sản phẩm còn xa lạ, nhiều cửa hàng từ chối, thậm chí có người nhầm là “giun sấy khô”. Có cửa hàng từ chối tới mười lần, nhưng nhờ kiên trì, ông dần thuyết phục được họ nhận hàng ký gửi.
Khó khăn lớn nhất không nằm ở thị trường mà là vốn. Ông phải vay nóng với lãi suất rất cao, có lúc lên tới 10%/tháng để trả chi phí vận chuyển và thuế. May mắn thay, hàng vừa cập cảng đã bán hết, giúp ông quay vòng vốn nhanh, trả nợ dần và mở rộng quy mô. Nhờ làm ăn uy tín, ông thương lượng được với các nhà cung cấp trong nước để được công nợ 30, rồi 45 và 60 ngày.
Trong một lần lên cảng làm thủ tục, ông gặp lại một người bạn cũ từng cùng khởi nghiệp. Người này xin hợp tác và ông đồng ý. Họ mở công ty phân phối, ông Dũng giữ 75% cổ phần. Công việc phát triển nhanh chóng, ông mời thêm vài người bạn cùng tham gia.
Nhưng rồi, mâu thuẫn lại nảy sinh. Một số người cho rằng ông không trực tiếp điều hành nhưng lại giữ phần lớn cổ phần. Nhưng rồi, giống như lần đầu, mâu thuẫn lại nảy sinh khi có người cho rằng ông không làm gì mà giữ quá nhiều cổ phần. Để giữ hòa khí, ông đề xuất tăng cổ phần của nhóm bạn lên 50%. Sau nhiều bất đồng nội bộ, ông Dũng mất dần hứng thú và rút khỏi công ty, trao lại toàn bộ cổ phần cho các cộng sự.
Lần thứ 2 khởi nghiệp, ông Dũng trả hết nợ, mua nhà, mua xe cho mình và cho cả các nhân viên quản lý trong công ty. Nhưng tình hình kinh tế biến động, cuối cùng, ông Dũng quyết định bán toàn bộ cơ nghiệp mình đã gây dựng với giá 6 triệu USD.
Có trong tay số vốn lớn, ông bắt đầu lần khởi nghiệp thứ ba với thực phẩm chế biến sẵn đựng trong túi nhôm. Với kinh nghiệm và tham vọng, ông muốn công ty phát triển thật nhanh. Tuy nhiên, sự nóng vội cùng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007–2008 khiến công ty lao đao và cuối cùng thất bại.

Tham vọng toàn cầu hóa gia vị Việt Nam của ông Nguyễn Trung Dũng
Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại châu Âu, ông Nguyễn Trung Dũng nhận thấy sự thiếu hụt các loại gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ông từng nhớ rất rõ những món quà quê hương như gói gia vị, chai nước mắm hay hũ cà pháo mà bạn bè và người thân gửi tặng, mỗi món đều quý giá như vàng đối với ông.
Khi các siêu thị châu Âu bắt đầu bày bán gia vị châu Á, phần lớn là sản phẩm Nhật Bản, Thái Lan, còn gia vị Việt Nam lại rất hiếm hoi, khiến ông cảm thấy tiếc nuối và thôi thúc ấp ủ một ý tưởng lớn.
Năm 2010, khi trở về nước, ông Dũng càng thấy rõ sự thay đổi đáng buồn ở thị trường gia vị trong nước. Nhiều loại sản phẩm truyền thống đã bị pha trộn phẩm màu, chất bảo quản và hương liệu nhân tạo, làm mất đi hương vị mộc mạc, tự nhiên mà ông từng yêu quý từ thời thơ ấu.
Từ những trải nghiệm đó, ông quyết định thành lập DH Foods với mong muốn mang đến những loại gia vị tự nhiên, sạch và tiện dụng của Việt Nam đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ông muốn giúp người Việt xa quê có thể thưởng thức những bữa ăn đậm đà hương vị quê nhà và cảm nhận được niềm hạnh phúc trọn vẹn qua từng món ăn.

3 bài học kinh doanh rút ra từ hành trình 30 năm của ông Nguyễn Trung Dũng
Chia sẻ với sinh viêntại LQT Talk, ông Nguyễn Trung Dũng nhấn mạnh: “Tôi mong các bạn trẻ hôm nay đi làm vì đam mê, vì niềm vui tạo ra giá trị. Khi làm điều mình yêu thích, các bạn sẽ tìm thấy cả sự hài lòng, ý nghĩa và cả thành công. Tiền sẽ đến như một kết quả, chứ không nên là mục tiêu duy nhất.”
Sau hơn 30 năm trải nghiệm thực tế với bao thăng trầm, thất bại và thành công, ông Nguyễn Trung Dũng đã đúc kết được những bài học mà ông muốn gửi gắm đến các thế hệ doanh nhân trẻ:
1. Biết điểm dừng để tăng trưởng bền vững: Thành công thật sự không đến từ việc chạy theo vô tận mà là khi ta biết dừng đúng lúc, kiểm soát lòng tham và nhận thức rõ đâu là đủ để xây dựng nền móng vững chắc cho tương lai.
2. Minh bạch để bảo vệ chính mình: Sự minh bạch không chỉ là nguyên tắc kinh doanh mà còn là tấm khiên bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro tiềm ẩn, giúp duy trì sức bền lâu dài trên hành trình đầy thử thách.
3. Làm giàu góc nhìn để cẩn trọng hơn: Đa chiều trong tư duy là chìa khóa để nhìn nhận mọi vấn đề một cách thấu đáo, tránh những quyết định vội vàng có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Kết
Sự kiện còn có phần thảo luận giữa ông Nguyễn Trung Dũng và bà Tôn Nữ Xuân Quyên, Nhà sáng lập BluSaigon, mang đến cho sinh viên những lời khuyên sâu sắc. Qua buổi trò chuyện này, sinh viên không chỉ được nghe câu chuyện thực tế, mà còn học được cách nhìn nhận thách thức, xây dựng tư duy kinh doanh bền vững và phát triển bản thân để trở thành những doanh nhân sáng tạo, bản lĩnh trong tương lai.
LQT Talk là chuỗi hoạt động nằm trong chương trình Cử nhân Kinh doanh LQT, nơi sinh viên được tiếp cận với bài học thật từ những doanh nhân có tầm ảnh hưởng.

