LQT Company Visit – Khám phá tinh hoa Gốm sứ Minh Long
Sáng ngày 11/07, sinh viên chương trình Cử nhân Kinh doanh LQT đã có chuyến tham quan giàu cảm hứng tại bảo tàng gốm sứ Minh Long trong khuôn khổ LQT Company Visit, đồng thời gặp gỡ ông Lý Huy Sáng, Tổng Giám đốc công ty.
Đôi nét về Minh Long I
Minh Long I là doanh nghiệp được tách ra từ cơ sở gốm Minh Long, do ông Lý Ngọc Minh cùng người bạn Dương Văn Long sáng lập vào năm 1970. Dưới sự dẫn dắt của ông Minh, Minh Long I đã vươn lên thành thương hiệu gốm sứ uy tín, từng 9 lần nhận Giải thưởng Thương hiệu Quốc gia. Danh mục sản phẩm của công ty bao gồm nhiều dòng khác nhau như đồ dùng gia đình, sản phẩm cho nhà hàng – khách sạn, sứ dưỡng sinh, sứ mỹ thuật và trang sức.
Nhiều thành viên trong gia đình ông Minh cũng tham gia vào hoạt động điều hành công ty. Từ giữa năm 2022, ông Lý Ngọc Minh chính thức chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc cho con trai cả, ông Lý Huy Sáng.

Khi gốm sứ kể chuyện
Mở đầu chuyến tham quan, sinh viên khám phá khuôn viên bên ngoài Minh Long, với không gian được sắp đặt tinh tế dưới bàn tay của ông Lý Ngọc Minh. Theo chia sẻ từ ông, mọi yếu tố trong cảnh quan đều được cân nhắc để “hợp tình, hợp lý”, hài hòa cả về thẩm mỹ lẫn chiều sâu văn hóa.
Điểm thu hút đầu tiên là hồ nước trung tâm, nơi đặt chén ngọc đường kính 4,5 mét được đúc liền khối, thay vì ghép từ hai mảnh như thông thường. Dọc theo tường lớn phía bảo tàng là hai bức phù điêu khổng lồ cao 9 mét, dài 99 mét, tái hiện dòng chảy lịch sử và đời sống của dân tộc Việt suốt hàng nghìn năm.
Bức phù điêu này được ví như một thước phim quay chậm về đất nước và con người Việt Nam, thể hiện rõ triết lý “gìn giữ nghìn câu chuyện” mà Minh Long đã kiên trì theo đuổi trong suốt nhiều thập kỷ. Từng phân đoạn trên phù điêu tái hiện hình ảnh người dân lao động, khai khẩn đất đai, trạng nguyên vinh quy bái tổ… mang đậm sắc thái văn hóa dân gian và tinh thần dân tộc.


Không gian nghệ thuật độc đáo bên trong bảo tàng Minh Long
Tiến vào bên trong bảo tàng, sinh viên được chiêm ngưỡng bộ ba đèn chùm sứ cao đến 5 tầng, mỗi chiếc nặng gần một tấn, lấy cảm hứng từ truyền thuyết con Rồng cháu Tiên. Theo ông Lý Ngọc Minh, chưa nơi nào trên thế giới từng chế tác đèn chùm bằng sứ có kích thước và trọng lượng lớn như vậy.
Những chiếc đèn này cùng với họa tiết dương xỉ, cánh sen, hình ảnh tiên rồng được khéo léo bố trí trên trần nhà, cửa chính tạo nên không gian vừa trang trọng vừa mang đậm nét Á Đông.
Tiếp đến, sinh viên được chiêm ngưỡng khu vực trưng bày tượng ba người phụ nữ đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi bức tượng cao 1,7 mét và được nung liền khối, một kỹ thuật cực kỳ khó thể hiện trình độ chế tác tinh xảo của các nghệ nhân tại Minh Long.

Một tác phẩm thu hút sự chú ý khác là bức Đồng hồ Bướm, gồm hơn 800 cánh bướm gốm được tạo hình thủ công, mỗi cánh mang một màu sắc và tư thế riêng biệt. Không chỉ dừng ở giá trị thẩm mỹ, chiếc đồng hồ này còn hoạt động theo thời gian thực, mang lại cảm giác sinh động như một đàn bướm đang chuyển động trong không gian.

Kế đến là khu trưng bày các sản phẩm có kích thước “tí hon”. Mỗi năm, Minh Long xuất khẩu khoảng 30-40 triệu sản phẩm loại này sang châu Âu. Nhờ sử dụng men và sứ đạt chuẩn an toàn thực phẩm, các bức tượng tí hon này có thể được đặt vào nhân bánh, trở thành điểm nhấn thú vị trong các bữa tiệc.


Tiếp đó, sinh viên khám phá không gian bên trong bảo tàng, nơi lưu giữ những tinh hoa mỹ thuật và dấu ấn phát triển của nghề gốm Việt qua các thời kỳ. Tại tầng mô phỏng làng nghề xưa, các bạn như được “du hành thời gian” khi chứng kiến mô hình lò nung, các công đoạn nhồi đất, chuyển đất bằng xe bò, phun men và trực tiếp quan sát nghệ nhân tạo hình, vẽ hoa văn trên gốm.


Câu chuyện “đi để trở về” của người kế nghiệp Minh Long
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm gốm, ông Lý Huy Sáng đã quen với xưởng gốm từ khi mới 9–10 tuổi. Thế nhưng, lớn lên một chút, ông lại bị cuốn hút bởi thế giới máy tính. Gia đình “có điều kiện”, ông tiếp cận vi tính từ cấp 2 và sau này chọn ngành công nghệ thông tin khi du học tại Canada, với dự định sẽ theo đuổi con đường riêng.
Tuy nhiên, sau khi được cha mẹ chia sẻ kỳ vọng và thực tế ngành nghề trong nước, ông quyết định chuyển sang học quản trị kinh doanh để trở về tiếp nối công việc gia đình. Dù vậy, đam mê công nghệ vẫn được ông nuôi dưỡng bằng cách tự học lập trình, đọc sách và khám phá các thiết bị mới. Chính nền tảng này về sau trở thành lợi thế lớn khi ông tham gia điều hành Minh Long.
Sau khi tốt nghiệp, thay vì bước thẳng vào vị trí quản lý, ông chọn bắt đầu lại từ xưởng sản xuất. Ông cho biết công ty khi ấy đã phát triển nhanh chóng, máy móc nhiều hơn và số lượng nhân viên tăng gấp mười lần so với trước. Để hiểu và điều hành hiệu quả, ông cần học từ bên trong.
Cuộc cách mạng 4.0 của công ty của nghệ nhân gốm sứ
Từ góc nhìn của một người trẻ từng học ở nước ngoài, ông nhận ra công ty lúc đó chưa có hệ thống kiểm soát chất lượng rõ ràng, các khâu sản xuất chủ yếu dựa vào tay nghề người thợ. Thay vì nản lòng, ông xem đây là cơ hội để thử nghiệm kiến thức đã học, từng bước xây dựng quy trình sản xuất chuẩn hóa.

Không dừng lại ở việc xây dựng quy trình, ông Lý Huy Sáng tiếp tục đưa công nghệ vào mọi khâu sản xuất tại Minh Long, từ nhập nguyên liệu, phối trộn, tạo hình cho đến kiểm tra chất lượng và bán hàng. Tất cả dữ liệu đều được số hóa và theo dõi qua hệ thống máy tính. Theo ông, máy móc giúp loại bỏ yếu tố cảm tính trong vận hành và đảm bảo sự công bằng, nhất quán trong từng công đoạn.
Xét về tổng thể, Minh Long hiện đã chuyển mình từ một xưởng gốm thủ công truyền thống thành một công ty gốm sứ 4.0, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quản trị và sản xuất, đồng thời giữ vững chất lượng thủ công vốn là giá trị cốt lõi của thương hiệu.




Kết
Chuyến tham quan không chỉ giúp sinh viên hiểu thêm về ngành nghề gốm sứ mà còn là dịp để lắng nghe câu chuyện kế nghiệp đầy tâm huyết của ông Lý Huy Sáng tại Minh Long. Dưới sự dẫn dắt của ông, Minh Long đã gìn giữ trọn vẹn giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời mạnh dạn đổi mới, ứng dụng công nghệ để nâng tầm sản phẩm Việt.
Hành trình này là minh chứng sống động cho việc kế thừa không có nghĩa là lặp lại, mà là tiếp nối bằng tinh thần trách nhiệm, tư duy hiện đại và khát vọng vươn xa. Đây cũng là nguồn cảm hứng quý giá cho những người trẻ đang trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để tiếp bước gia đình nhưng theo cách của riêng mình trong thời đại số.


