LQT Talk #16: Ứng dụng Design Thinking để tìm điểm cân bằng trong thời đại VUCA “Nhanh – Nhiều – Nhiễu
Tại buổi tọa đàm LQT Talk #16, ông Nguyễn Trần Quang đã mang đến một góc nhìn sâu sắc về cách người trẻ có thể tìm thấy sự cân bằng trong thời đại VUCA.
Trong kỷ nguyên hiện đại, chúng ta đang đối mặt với một thế giới được định nghĩa bằng thuật ngữ VUCA, bao gồm Biến động (Volatility), Bất định (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Đây là bối cảnh mà tốc độ thay đổi vượt ngoài dự đoán, thông tin xuất hiện dày đặc nhưng thiếu nhất quán, và ranh giới giữa đúng – sai, thật – giả trở nên khó phân định. Trước những thách thức đó, việc người trẻ trang bị cho bản thân những phương pháp tư duy linh hoạt trở nên vô cùng cấp thiết.

Bộ ba năng lực thiết yếu: Mindset – Skillset – Toolset
Để có thể tồn tại, thích nghi và phát triển trong môi trường VUCA, ông Nguyễn Trần Quang, Chủ tịch & CEO FutureOne đưa ra khái niệm về “bộ ba năng lực thiết yếu” mỗi cá nhân cần trang bị:
– Mindset (Tư duy): Đây là nền tảng đầu tiên, định hình cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Trong thời đại VUCA, một tư duy mở, linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi là điều kiện tiên quyết.
– Skillset (Kỹ năng): Bên cạnh tư duy đúng, người trẻ cần được trang bị những kỹ năng phù hợp với thực tế như tư duy phản biện, khả năng giao tiếp đa chiều, phân tích dữ liệu và giải quyết vấn đề.
– Toolset (Công cụ): Sử dụng đúng công cụ giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất và ra quyết định tốt hơn trong một thời đại đầy biến số.

Tháp DIKIW – Bản đồ định vị giá trị thông tin trong thời đại VUCA
Trong bối cảnh VUCA, ông Quang nhấn mạnh cá nhân cần học cách định vị thông tin mình tiếp nhận đang nằm ở đâu trong tháp DIKIW. Chỉ khi phân biệt rõ giữa dữ liệu thô và trí tuệ, con người mới tránh bị cuốn vào nhiễu loạn thông tin và đưa ra được các quyết định hiệu quả. Tháp DIKIW bao gồm các yếu tố sau:
– Data (Dữ liệu): Những con số, chữ cái hoặc tín hiệu thu thập được chưa qua xử lý.
– Information (Thông tin): Dữ liệu đã được sắp xếp, có ngữ cảnh và mang một ý nghĩa sơ khởi.
– Knowledge (Kiến thức): Thông tin được liên kết, phân tích và đưa vào hệ thống tư duy để hiểu rõ bản chất vấn đề.
– Insight (Hiểu biết sâu sắc): Tầng cao hơn của kiến thức, là khả năng nhìn thấy xu hướng, cơ hội hoặc nguy cơ từ hệ thống thông tin đang có.
– Wisdom (Trí tuệ): Mức cao nhất, đại diện cho khả năng ra quyết định sáng suốt, kịp thời và mang tính bền vững.

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, khả năng “lọc nhiễu” và đi từ dữ liệu đến trí tuệ chính là lợi thế cạnh tranh bền vững. Các doanh nghiệp có thể nắm bắt “insight” thị trường nhanh chóng, ra quyết định dựa trên trí tuệ và ứng dụng đúng công cụ sẽ có khả năng thích ứng và duy trì đà tăng trưởng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Đối với giới trẻ, những người đang chuẩn bị bước vào thị trường lao động, việc nắm rõ bản chất của thời đại và vận dụng tháp DIKIW chính là kim chỉ nam để họ xây dựng sự nghiệp một cách vững chắc, có định hướng và không bị cuốn trôi giữa dòng chảy công nghệ và thông tin hiện nay. Ngoài ra, Design Thinking (Tư duy thiết kế) cũng là một công cụ hữu ích hỗ trợ người trẻ trong quá trình học tập và sáng tạo.
Ứng dụng Design Thinking để giải quyết nan đề trong thời đại VUCA
Bên cạnh mindset, skillset, toolset, ông Nguyễn Trần Quang cũng đề cập đến Design Thinking như một công cụ tư duy đột phá, đặc biệt hữu ích trong thời đại VUCA. Design Thinking (Tư duy thiết kế) là một phương thức tư duy sáng tạo, kết hợp giữa việc tìm ý tưởng và giải pháp gắn liền với thực hành và thử nghiệm, nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp (nan đề).
Đây là phương pháp tập trung vào con người, khai thác sâu sắc trải nghiệm người dùng, nhằm tạo ra những giải pháp khả thi, sáng tạo và có tính ứng dụng cao. Sự khác biệt nổi bật của Design Thinking so với các cách tiếp cận truyền thống nằm ở cách nhìn nhận và tiếp cận vấn đề.
Phương pháp truyền thống |
Design Thinking |
Tập trung vào báo cáo, hồ sơ |
Tập trung vào hình ảnh trực quan, bản vẽ, mẫu thử |
Ghét và sợ thất bại |
Chấp nhận thất bại sớm để học hỏi |
Tìm kiếm sự chắc chắn |
Đón nhận sự không chắc chắn, mơ hồ |
Tập trung vào kết quả dự báo |
Tập trung vào con người & hành vi thực tế |
Tìm kiếm giải pháp hoàn hảo ngay từ đầu |
Liên tục cải thiện thông qua thử nghiệm |
Tranh luận về ý tưởng |
Thử nghiệm ý tưởng |
Giải quyết vấn đề theo chuyên môn, phân đoạn |
Đồng sáng tạo, giải quyết vấn đề một lần |
Bảng so sánh cách tiếp cận nan đề giữa phương pháp truyền thống và Design Thinking
Quy trình 5 bước của Design Thinking
Phương pháp Design Thinking được triển khai thông qua 5 bước, giúp người thực hiện hiểu rõ vấn đề, đồng thời linh hoạt thử nghiệm và cải thiện giải pháp:
1. Empathize (Thấu cảm)
Bước đầu tiên và cũng là nền tảng của toàn bộ quá trình. Người thực hiện cần đặt mình vào vị trí người dùng, thông qua quan sát, trò chuyện và lắng nghe, để hiểu được nhu cầu, cảm xúc và “nỗi đau” thực sự của họ.
2. Define (Xác định)
Từ những thông tin đã thu thập, người thực hiện xác định rõ đâu là vấn đề cốt lõi cần giải quyết. Đây là bước chuyển đổi từ cảm nhận cảm tính sang mục tiêu rõ ràng và có định hướng.
3. Ideate (Tạo ý tưởng)
Giai đoạn này khuyến khích người thực hiện đưa ra càng nhiều giải pháp càng tốt. Trong đó, mọi ý tưởng đều được đón nhận và xem xét một cách kỹ lưỡng. Mục tiêu là tập trung thúc đẩy sự đa dạng và đột phá trong tư duy sáng tạo.
4. Prototype (Tạo mẫu thử)
Từ các ý tưởng đã được đề xuất, người thực hiện tiến hành chuyển hóa những ý tưởng tiềm năng thành các mẫu thử. Dù còn đơn giản hoặc thô sơ, các mẫu thử này cần đảm bảo đủ rõ ràng để kiểm nghiệm tính khả thi và thu hút phản hồi thực tế từ người dùng.
5. Test (Kiểm tra)
Đưa mẫu thử đến người dùng, quan sát phản ứng, lắng nghe phản hồi và điều chỉnh. Bước này đóng vai trò kiểm nghiệm tính khả thi của giải pháp, đồng thời tạo điều kiện tiếp tục phát triển và hoàn thiện ý tưởng thông qua vòng lặp vòng lặp phản hồi, thử nghiệm, điều chỉnh.
Bên cạnh phần trình bày của ông Nguyễn Trần Quang, buổi tọa đàm còn nổi bật với phần thảo luận sôi nổi giữa ông và TS. Đoàn Đức Minh – Giảng viên môn Design Thinking for Creativity tại Western Sydney Việt Nam.
Cuộc trao đổi đã nhận được hàng loạt câu hỏi sắc bén từ phía sinh viên, góp phần mở rộng và đào sâu nội dung chủ đề. Thông qua buổi chia sẻ, sinh viên đã hiểu rõ hơn về tư duy sáng tạo, đồng thời biết cách vận dụng tư duy này vào thực tiễn trong bối cảnh môi trường kinh doanh liên tục thay đổi.

Kết
Trong bối cảnh thời đại VUCA, nơi mà sự biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ ngày càng trở nên rõ nét, những phương pháp tiếp cận linh hoạt như Design Thinking đóng vai trò như một chiếc la bàn định hướng.
Việc ứng dụng tư duy thiết kế không những hỗ trợ thế hệ trẻ chủ động trong quá trình học tập và sáng tạo, mà còn góp phần phát triển các năng lực thiết yếu như khả năng thích ứng, tư duy phản biện và sự thấu cảm.
