LQT Talk #15 – Ý tưởng kinh doanh khởi nguồn từ sự “than vãn” của thị trường
Ngày 14/02/2025, sinh viên WSU-LQT BBUS đã có cơ hội gặp gỡ TS. Nguyễn Bá Hải. Với những sáng chế tiên tiến, ông đã truyền cảm hứng cho sinh viên về quá trình khởi nghiệp sáng tạo.
TS. Nguyễn Bá Hải – Nhà khoa học sinh ra để giúp đời
TS. Nguyễn Bá Hải hiện là trưởng nhóm nghiên cứu trọng điểm về Robot sinh học – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ông tốt nghiệp Thủ Khoa ngành Cơ khí động lực và nhận được học bổng du học từ chính phủ Hàn Quốc cho chương trình sau đại học. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ khi mới 28 tuổi với 5 phát minh sáng chế có tính ứng dụng cao, được doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ kinh phí cho các dự án nghiên cứu cùng với giáo sư của mình.
Trong bài chia sẻ trên VNExpress, TS. Nguyễn Bá Hải chia sẻ: “Trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc, nhờ sự giới thiệu của giáo sư và những bằng sáng chế tại đây, tôi đã có cơ hội làm việc tại công ty lớn của Hàn. Nếu tiếp tục ở lại, có thể tôi sẽ nhận được mức thu nhập cao hơn, nhưng cơ hội phát triển còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và lựa chọn của mỗi cá nhân”.

“Thú thật vào thời điểm mùa thu năm 2010, khi quyết định trở về Việt Nam, tôi cũng không hiểu tại sao tiếng gọi con tim ‘về nước, về lại ngôi trường xưa, và về lại với gia đình’ trong tôi lại mạnh mẽ như vậy”, ông chia sẻ trên báo VnExpress.
Những phát minh nổi bật của TS. Nguyễn Bá Hải
Kính “Mắt Thần” dành cho người khiếm thị
TS. Nguyễn Bá Hải được biết đến rộng rãi nhờ việc chế tạo kính thông minh “Mắt Thần”, sản phẩm cho phép người dùng tự điều chỉnh khoảng cách phát hiện vật cản với phạm vi xa nhất lên đến 3,5 mét. Khi di chuyển gần hơn với vật cản, thiết bị sẽ cảnh báo người dùng bằng cách rung mạnh dần và liên tục. Mặc dù sản phẩm có tiềm năng thương mại lớn, TS. Nguyễn Bá Hải đã quyết định không tiến hành thương mại hóa, mà thay vào đó phân phối kính “Mắt Thần” tới người khiếm thị với mức giá gốc và không vì lợi nhuận.

Máy pha cà phê JAVI COFFEE MAKER
Về cơ duyên với máy pha cà phê JAVI COFFEE MAKER, ông Hải cho biết: “Ngành cà phê Việt Nam, mặc dù đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu với khoảng 2 tỷ kilogram mỗi năm, lại chưa phát huy hết tiềm năng và giá trị của mình. Cà phê Việt Nam sở hữu một đặc sản văn hóa độc đáo ’văn hóa cà phê phin’, mang đậm dấu ấn của người Việt.”
“Giá trị của ngành cà phê Việt Nam chưa được phản ánh đúng mức do thiếu các tiêu chí chuẩn mực về chất lượng và phân loại nông sản. Nông dân hiện nay chỉ dựa vào kinh nghiệm để sàng lọc cà phê mà không có những tiêu chí rõ ràng. Điều này khiến sản phẩm không thể cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, dẫn đến giá trị xuất khẩu không cao”, ông Hải chia sẻ tại sự kiện.
Chia sẻ trên báo VnExpress, ông Hải bày tỏ: “Người Sài Gòn có thói quen uống cà phê sáng hàng ngày, nhưng hiện nay cà phê bẩn xuất hiện khá nhiều. Chúng tôi mong muốn người Việt Nam được uống ly cà phê sạch”. Đây chính là lý do ông ra mắt máy pha cà phê JAVI COFFEE MAKER, với hy vọng thiết bị này có thể chiết xuất được nhiều tinh chất cà phê hơn. Nhờ đó, ông mong muốn chấm dứt tình trạng pha trộn các chất như bột bắp hay hóa chất, mang đến những ly cà phê thơm ngon, chất lượng với mức giá phải chăng.
Chia sẻ của TS. Nguyễn Bá Hải tại LQT Talk #15
Cách tiềm thức mang đến những giải pháp đột phá
Suy nghĩ truyền cảm hứng là một hình thức tư duy sáng tạo, trong đó những ý tưởng đột phá và giải pháp sáng tạo xuất hiện một cách bất ngờ. Khác với các phương pháp tư duy thông thường, suy nghĩ truyền cảm hứng không đến từ quá trình suy nghĩ logic, mà là những khoảnh khắc “a-ha” – khi một ý tưởng bất chợt xuất hiện trong tâm trí mà không có sự chuẩn bị trước.
Khám phá thêm 05 loại tư duy sáng tạo tại đây
“Khi bạn dành đủ thời gian và tâm huyết cho khát vọng, não bộ sẽ không ngừng tìm kiếm giải pháp, thậm chí ngay trong giấc ngủ. Đây chính là lúc suy nghĩ truyền cảm hứng xuất hiện mạnh mẽ, vì khi bạn khao khát điều gì đó đủ lâu, tiềm thức sẽ không ngừng làm việc để đưa ra những ý tưởng và giải pháp. Những giấc mơ hoặc khoảnh khắc tỉnh táo đột ngột có thể mang đến những ý tưởng sáng tạo bất ngờ, giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ một góc độ mới và tìm ra những giải pháp đột phá”. Ông Hải giải thích mối liên kết giữa suy nghĩ truyền cảm hứng với khát vọng.
Ông Hải tiếp tục mở rộng rằng khát vọng không phải là điều có thể đạt được ngay lập tức, mà là một hành trình dài cần sự kiên nhẫn và nỗ lực bền bỉ. Ông khuyên mỗi người nên chia nhỏ ước mơ của mình thành những bước đi cụ thể để từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu.

05 bước hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh
Theo ông Hải, để đưa một ý tưởng kinh doanh từ giai đoạn khởi đầu đến nghiệm thu kết quả, cần thực hiện 5 bước sau:
1. Tạo ý tưởng
Ý tưởng được sinh ra từ sự quan sát thực tế và những “điểm đau” của khách hàng. TS. Nguyễn Bá Hải đúc kết: “Ở đâu có than vãn, ở đó có ý tưởng. Hãy để ý những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc, hoặc trong một ngành nghề cụ thể. Khi nhiều người cùng gặp phải một khó khăn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy một thị trường tiềm năng đang chờ được khai thác.
2. Xác định “Problem Statement”
Một ý tưởng kinh doanh chỉ có giá trị nếu nó thực sự giải quyết được một vấn đề cụ thể. Vì vậy, cần phải viết một Problem Statement rõ ràng để xác định:
– Vấn đề là gì? (Problem)
– Ai là người đang gặp vấn đề này? (Customer)
– Ảnh hưởng của vấn đề này ra sao? (Impact)
– Giải pháp mà bạn đề xuất là gì? (Solution)
– Kết quả mong đợi khi giải quyết vấn đề? (Result)
3. Tìm kiếm nguồn lực
Sau khi có ý tưởng và xác định được vấn đề, bước tiếp theo là tìm kiếm các nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa ý tưởng. Nguồn lực ở đây có thể bao gồm:
– Tài chính: Vốn tự có, kêu gọi đầu tư, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) hoặc vay vốn ngân hàng.
– Nhân sự: Tìm kiếm những người có kỹ năng phù hợp để cùng triển khai dự án. Một ý tưởng hay chỉ có thể thành công nếu có đội ngũ thực hiện mạnh.
– Công nghệ: Xác định công cụ, phần mềm, nền tảng kỹ thuật cần thiết để phát triển sản phẩm/dịch vụ.
– Đối tác: Hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức hoặc chuyên gia để tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có.
4. Thực hiện kế hoạch
Một ý tưởng dù hay đến đâu cũng chỉ là lý thuyết nếu không được triển khai. Vì vậy, sau khi có đủ nguồn lực, cần lập một kế hoạch hành động cụ thể, bao gồm:
– Mô hình kinh doanh: Sản phẩm/dịch vụ sẽ mang lại giá trị gì? Ai sẽ là khách hàng chính? Kênh phân phối là gì?
– Chiến lược phát triển: Các giai đoạn chính trong quá trình triển khai, từ thử nghiệm (MVP – Minimum Viable Product) đến ra mắt chính thức.
– Tiếp thị và Bán hàng: Làm thế nào để tiếp cận khách hàng? Kênh truyền thông nào hiệu quả nhất?
– Quản lý tài chính: Kiểm soát chi phí, dự báo doanh thu, lập kế hoạch dòng tiền để tránh rủi ro tài chính.
5. Đánh giá
Sau khi thực hiện kế hoạch, điều quan trọng không kém là đánh giá hiệu quả và điều chỉnh khi cần thiết. Một sản phẩm/dịch vụ có thể phải qua nhiều lần cải tiến trước khi tiếp cận hiệu quả với nhóm khách hàng mục tiêu.
